fbpx
Kiến thức Cơ bản

Chuyện về những kiểu cách của một bộ suit – Kỳ 1

Đến lúc nói chuyện về kiểu dáng của suit với âu phục. Có lẽ nhiều bạn đã theo dõi hàng loạt bài viết và cả những bức ảnh chia sẻ về quần áo của chúng tôi hay những người mà Truespoke đã gặp trên khắp thế giới. Vì vậy, ở bài viết này blog quay về với chủ đề cơ bản: những phong cách của các bộ suit là gì? Cùng chỉ là một bộ veston hay suit đơn thuần, nhưng nếu coi bespoke là cái thú có lẽ nên biết đến những phong cách đồ sộ và đòi hỏi sự lựa chọn một cách tinh tế.

Trước đây kiểu cách của veston hay suit vốn phụ thuộc vào vùng miền, yếu tố đầu tiên chính là thời tiết. Một bộ suit kiểu Ý luôn có nét đặc trưng về sự mỏng manh hơn so với một bộ suit kiểu Anh, bởi tại vùng Địa Trung Hải vốn nắng ấm và có phần nóng hơn hẳn so với thời tiết tại Vương Quốc Anh lạnh, ẩm. Ngoài chuyện thời tiết là câu chuyện về văn hoá vùng miền, như trong nước Ý ở chuyến đi vừa rồi có thể chia làm nhiều trường phái của các bộ veston như Milanese, Florentine, Neapolitan… Tuy nhiên, cho tới ngày nay khi mà khoảng cách con người được rút ngắn bởi phương tiện di chuyển và cũng như thế giới thông tin qua internet, những bộ suit với phương thức được điều chỉnh hay pha lẫn với nhau và dường như ranh giới của một phong cách cố định trở nên mờ nhạt hơn. Một bộ suit có thể mang hàng loạt đặc trưng về cấu trúc cũng như phong cách như cấu trúc kiểu Anh đi với vẻ đẹp kiểu Ý và xa hơn. Nhưng trước khi nói tới hàng loạt những công thức phối hợp, kiến thức cơ bản vẫn là thứ cần để biết trước trước khi đi tới hàng loạt kiểu cách kết hợp ngoài kia. Ở kỳ đầu tiên, chúng tôi sẽ chia sẻ các bạn về kiểu Anh và Mỹ.

Kiểu Anh cổ điển

Anh có thể được coi như cái nôi của đồ Âu và dấu ấn về phong cách của một bộ suit kiểu Anh có lẽ quá phổ biến trên toàn thế giới. Phong cách veston kiểu Anh thường mang tinh thần an toàn và có phần bảo thủ, một bộ trang phục như vậy thường giúp người mặc có thể hoà vào số đông hơn là trông nổi bật. Với tư duy như vậy, một bộ suit kiểu Anh thường phù hợp với công việc và gắn liền với những lựa chọn cơ bản như navy hay ghi xám. Cái tinh thần mang đúng chất Anh là sự bảo thủ, kiểu dáng cắt kiểu drape của Anh được giữ nguyên gần cả thế kỷ, với đặc trưng cấu trúc phần vai và ngực dày dặn kèm vùng eo được cắt ôm. Người Anh cũng tương đối rạch ròi trong chuyện phân biệt loại áo, từ những bộ suit kiểu Anh thì còn có sport jacket và áo blazer, vốn đặc trưng bởi lựa chọn về màu sắc đa dạng và kẻ hoạ tiết để dành cho dịp cưỡi ngựa hay đạp xe đi chơi (vào thời xưa) của người Anh. Chỉ có điều tôi có thể chia sẻ thêm về lựa chọn người Anh trong chất liệu luôn là tweed hoặc flannel.

Đặc trưng: Áo thường có cấu trúc khá dày, đặc trưng là vùng vai áo với lớp đệm khá rõ rệt và vùng ngực nhìn khá đầy (full) với nhiều không gian để cử động. Đồng thời áo có vùng eo được cắt ôm hơn để tạo hiệu ứng đồng hồ cát. Mặt khác áo thường có 2 xẻ ở phía sau lưng.

Cái tên danh tiếng: Gieves & Hawkes, Anderson & Sheppard, Norton & Sons, Huntsman, Steed, Edward Sexton. Đa phần là các thương hiệu bespoke thuần tuý (đặc biệt Huntsman là đắt nhất)

Anderson & Sheppard là một trong những cái tên đặc trưng nhất của Anh. Bạn có thể thấy chiếc áo luôn tôn rất rõ hình khối đồng hồ cát với phần vai và ngực được làm cấu trúc khá dày.

Simon Crompton với bộ suit của Anderson & Sheppard

Một cái tên hàng đầu của Savile Rows – Steed. Hình trên là một bộ suit đúng kiểu cách cổ điển của Anh. Vùng ngực được chừa nhiều không gian và vùng eo được cắt gọt sâu

Kiểu Anh hiện đại

Kiểu Anh hiện đại xuất hiện khi sân chơi mở rộng cho cả những người trẻ trung hơn, vốn quan tâm tới lễ nghi Âu phục và chịu ảnh hưởng bởi những tinh thần ăn mặc làm sao cho tinh tế và năng động. Nhất là trong thời điểm mà người ta không còn mặc suit chỉ trong công việc đòi hỏi sự trang trọng, mà còn là cả trong mọi dịp hàng ngày.

Đặc trưng: Sử dụng toàn bộ những đặc tính của kiểu Anh truyền thống nhưng cấu trúc mỏng và áo ôm hơn. Như phần vai được dùng loại đệm mỏng, áo ngắn và quần ôm hơn. Đặc biệt là sau chuyến đi vừa rồi và trao đổi với một số người nhà nghề, thì thường kiểu hiện đại có đặc trưng là phần tay áo ráp với vai sẽ ghồ nhẹ lên một chút chứ không xuôi theo vai như kiểu cổ điển. Nếu để dễ phân biệt kiểu cổ điển và hiện đại nhất thì bạn có thể quan sát vùng ngực áo, sẽ thấy kiểu Anh hiện đại mỏng manh và nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Thương hiệu: Thom Sweeney, Richard James và vài thương hiệu MTM, RTW khác tại London.

Simon Crompton và lần fitting với đồ may đo của Richard James

Một chiếc áo của Vietnam Bespoke Shop (bespokeshop.vn) với một phần chi tiết kiểu Anh là vùng tay áo ráp với vai ghồ nhẹ lên.

Kiểu Mỹ – American Style

Không thể phủ nhận được đặc trưng phong cách kiểu Mỹ, hình ảnh của những bộ suit kinh điển vốn gắn liền với các ngôi sao của nhiều bộ phim Hollywood đình đám. Với kiểu cách có phần hơi hộp, rộng rãi và thoải mái đặc trưng. Chiếc áo kiểu Mỹ cũng có những đặc trưng khá riêng: như thân trước không có đường chiết eo, vai áo thường ôm tròn với đệm mỏng hơn kiểu Anh. Đường ráp ve áo và cổ áo hạ thấp (tiếng anh gọi là Gorge line). Áo thường trông khá xuông và rộng rãi, đúng chất ưa thích sự thoải mái của người Mỹ.

Cái tên quen thuộc: May đo thì chúng tôi chưa thấy cái tên nào thực sự nhấn. Nhưng những thương hiệu như Brooks Brothers, Ralph Lauren và Paul Stuart có thể gọi là đặc trưng.

Tailor CAID – một thương hiệu Nhật đặc trưng với phong cách kiểu Mỹ. Không đường chiết trước  Gorge line thấp và dáng áo thoải mái. Tuy vậy nhưng không có nghĩa là thiếu đi sự tinh tế và đẹp mắt.

Ở kỳ thứ 2, chúng tôi sẽ nhắc tới phong cách Ý. Mảnh đất của nắng và sự phóng khoáng, lãng mạn.

Trong bài viết này, hình ảnh được sử dụng từ nhiều nguồn: chủ yếu trong đó có nguồn từ Blog Permanent Style và The Armoury.

 

Bài viết liên quan

1 Bình luận

  • Avatar
    Reply
    thu lan
    Tháng Chín 14, 2017 at 11:27 sáng

    những bộ công lê thường thay đổi theo thời gian, trải qua từng thế hệ lại có mẫu thiết kế khác nhau. Nhưng vấn thích bộ congle màu đen nhất. Thanh lịch, nhã nhặn, dễ mặc

  • Để lại trả lời