fbpx
Thương hiệu

Chuyến thăm nhà máy làm giày CNES của Truespoke

Một trong những điều thú vị nhất trong chuyến đi Sài Gòn vừa rồi, đó là chuyến thăm nhà máy của thương hiệu làm giày được biết tới nhiều trong thời gian qua. CNES – cái tên tưởng chừng như mới, nhưng thực chất lại là một lão làng trong nghề. Và tại bài này, bạn sẽ được chia sẻ phần nào câu chuyện mà tôi có  biết thêm từ CNES.

Theo lời mời của giám đốc thương hiệu của CNES – Minh Dũng. Tôi có dịp để được thu xếp cả một chuyến thăm để thăm quan toàn bộ dây chuyền và quy trình làm giày của CNES tại Hồ Chí Minh cùng người chủ của thương hiệu này, anh Lê Huy Tiến.

Nhà máy của CNES đặt tại Hóc Môn, nơi đây cũng không quá khó tìm và khoảng 1 tiếng để đi từ quận 1. Điều mình thấy khá bất ngờ, khác biệt với hình về những phân xưởng bụi bặm không lấy gì làm màu sắc, xưởng khá thoáng đãng sạch sẽ, các phòng sản xuất được phân chia hợp lý và có cả điều hoà cho công nhân làm việc. Phòng ốc làm việc đều có tương sơn sáng màu, bố trí gọn gàng và sạch sẽ. Theo như lời giới thiệu, ở đây rộng hơn 1500 m2.

Tôi gặp anh Lê Huy Tiến, người chủ của thương hiệu cũng là bàn tay đứng sau từng đôi giày của CNES. Tuy anh cũng làm người làm ăn, nhưng cũng là người làm nghề. Không gắn liền với hình ảnh quần áo chỉnh tề, anh nhìn giống phong cách của một kỹ sư hơn. Phảng phất nét mộc mạc, chân chất nhưng vẫn đầy sự hiểu biết trong từng câu nói (nói thế thôi chứ anh này nói sõi cả tiếng Nhật). Nhân vật này là người đặt từng viên gạch đầu tiên của dây chuyền làm giày của CNES vốn đã gần 10 năm. Anh đào tạo từng chu trình, từng người thợ tại đây. Được biết, đây cũng là người Việt Nam đầu tiên được đào tạo bài bản về giày tây, thủa xưa anh có hơn 3 năm đi học tại Nhật Bản, sau đó về Việt Nam làm kỹ sư trưởng cho một công ty giày của Nhật. Ở đây anh đào tạo và xây dựng toàn bộ đội ngũ sản xuất của công ty này rồi sau đó tách ra gây dựng một nhà máy riêng từ cách đây chục năm cho tới giờ là CNES.

Trùng hợp thay, hôm tôi tới cũng là hôm anh đang đón tiếp rất nhiều đối tác từ Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản, họ bàn tán khá sôi nổi, có đại diện đến để xem các mẫu giày, có đại diện thì đã đặt và tới để kiểm tra chất lượng lô hàng họ sắp tiếp nhận.

Sau đó là chuyến thăm quan các công đoạn của dây chuyền. Tại đây chia làm từng phòng xử lý các công đoạn chuyên biệt để hoàn thiện một đôi giày. Các phòng này sau khi hoàn thành thì sẽ chuyển sản phẩm tới phòng tiếp theo để hoàn thiện, có thể liệt kê gồm: phòng vẽ dưỡng, phòng cắt, phòng đóng phom, đội đục lỗ, đội khâu giày… Cứ thế từng phòng xong thì sẽ chuyển sản phẩm để phòng tiếp theo hoàn thành tiếp. Đặc biệt phòng làm dưỡng (vẽ pattern) tại đây sử dụng nhân sự là người Nhật để làm. Đi được một lượt, tôi mới thấy đóng được một đôi giày nó phức tạp như thế nào, hàng loạt công đoạn phức tạp và kỳ công để tạo ra một đôi giày trau truốt. Và mặt khác, nếu chỉ cần một lỗi nào đó trong các công đoạn này phát sinh dù cho là gần như hoàn chỉnh, thì đôi giày phải bỏ đi.

Nói về các sản phẩm được làm tại, nổi bật nhất có lẽ phải nhắc tới giày làm Handwelted. Đội này có chừng năm người, được đào tạo cẩn thận để làm. Handwelted là kỹ thuật cổ điển của goodyear và cũng là kỹ thuật đòi hỏi sự tỉ mỉ nhất của làm giày. Làm cũng khá kỳ công, như tôi quan sát thì một người khâu thoăn thoắt thì mỗi ngày mới chỉ làm được bốn tới năm đôi giày. Chuyện làm giày chất lượng vốn đã khó về kiến thức, nhưng nó còn khó bởi cả máy móc, bởi ngoài handwelted thì kỹ thuật goodyear welted ngày nay đều dùng máy, mà mỗi chiếc máy đều tiền tỉ. Hay thay, tại CNES có đủ và thậm chí là đơn vị duy nhất có cả máy khâu được cấu trúc Norwegian. Ngoài ra thì hôm tôi tới còn thấy đang làm cả một đợt giày Bologna.

Anh Tiến cũng khá tự hào “khoe” với tôi khi hiện tại mỗi ngày nhà máy của anh có thể ra lò hơn 200 đôi giày Goodyear Welt các loại, đối với loại giày kỳ công như này thì đây cũng hẳn là con số đáng nể. Dù sao chúng ta cũng nên tự hào, vì nhờ anh Tiến chúng ta mới chính thức có một shoemaker Việt Nam.

Về khu nguyên liệu, tôi có thể thấy hàng tá da từ các nhà thuộc da (tannery) danh tiếng của Pháp và Ý như: Annonay từ Pháp, Incas và Polaris từ Ý.

Về khu lưu trữ phom giày, hay thứ mà người ta thường gọi là last. Đây là trái tim để quyết định nên hình dáng của mỗi đôi giày. Tại CNES, kho last được chia làm các kệ xếp song song thành hai giá, dài tới hơn 1/3 xưởng. Ngoài ra tôi cũng được “soi” trước một số mẫu last mới và thậm chí cả last bespoke của một vài vị khách sộp của CNES.

Dù sao đây cũng là một chuyến thăm tuyệt vời, tôi có thể thấy rằng không chỉ có chuyện là chúng ta có thêm những lựa chọn mua sắm đa dạng. Mà ngành làm giày tại Việt Nam còn có tiềm năng để phát triển những sản phẩm tinh hoa đòi hỏi chất lượng cao. Và rồi một lúc nào đó, chúng ta đưa sản phẩm làm bởi chính người Việt để đưa tới tay những người tiêu dùng khó đòi hòi cao trên khắp thế giới.

Cây viết của Truespoke và chủ sở hữu của thương hiệu: anh Lê Huy Tiến.

Kho last (phom) tại CNES.

Phòng vẽ dưỡng với chuyên gia người Nhật tại CNES.
Một bộ dưỡng đang được thử nghiệm.

Khu vực khâu handwelted. Mỗi ngày mỗi thợ khâu được khoảng 4 đôi giày.

Khâu được diễu (welt) vào insole không phải dễ. Mặt khác để móc sao cho chỉ đi được đều và liền mạch cũng là cả vấn đề. 

Handwelted khi khâu hoàn chỉnh, sau đó sẽ được đặt một lớp trấu (cork) để giúp giày êm và hút ẩm.

Cấu trúc Goodyear Welted thông thường với phần gemming là lớp vải lanh trắng dán quanh viền insole.

Về mặt máy móc thì ở CNES có đầy đủ tất cả thiết bị như bao nhà máy giày goodyear trên thế giới.

Phụ trách hình ảnh: Trịnh Hiền Trang.

Bài viết liên quan

2 Bình luận

  • Avatar
    Reply
    Đặng quốc đạt
    Tháng Hai 6, 2018 at 3:08 chiều

    Giầy đẹp cho minh xem tất cả mẫy giây và giá cả

    • duongnq
      Reply
      duongnq
      Tháng Hai 19, 2018 at 12:27 sáng

      Xin chào Đạt, cái này thì mình là blog chia sẻ nên không nắm thông tin kỹ về cái này được rồi.

    Để lại trả lời